Đã bao giờ bạn thấy trên lát thịt bò có ánh lên những màu sắc cầu vồng chưa? Bạn sẽ tự hỏi: “Điều gì đang diễn ra với miếng thịt của mình vậy?”. Xin đừng lo lắng, và cũng đừng vội vứt đi, bởi vì hiện tượng này hoàn toàn tự nhiên và không ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Hãy cùng Pacow tìm hiểu nguyên nhân vì sao thịt bò lại có màu sắc cầu vồng nhé.
Theo các cơ quan an toàn thực phẩm ở nước ngoài, một trong những nguyên nhân chính khiến thịt bò xuất hiện màu kim loại sáng bóng như cầu vồng là do hiện tượng khúc xạ ánh sáng, sự giao thoa của ánh sáng cùng với hình thái cấu trúc của mô thịt.
Trong thịt bò có chứa chất sắt, chất béo và nhiều hợp chất khác, có thể tạo cho thịt có màu óng ánh hoặc xanh lục khi tiếp xúc với nhiệt và quá trình chế biến. Khi ánh sáng chiếu vào bề mặt miếng thịt, các hợp chất này sẽ làm cho tia sáng bị bẻ cong, xuất hiện màu sắc óng ánh cầu vồng.
Theo 1 lí giải khác, thịt bò được tạo thành từ ba thành phần chính: mô cơ, mô liên kết và mô mỡ. Mô cơ là các mô mềm, với tế bào cơ gồm những sợi cơ hình thành bởi các sợi protein (sợi tơ cơ) dài và mảnh, chịu trách nhiệm cho sự chuyển động của cơ. Những sợi cơ này được sắp xếp thành bó hoặc lớp và được bao quanh bởi một lớp mô liên kết rất mỏng. Tùy thuộc vào loại thịt, các tế bào mô cơ và khoảng cách của các cấu trúc mô cơ có thể được sắp xếp có thứ tự và/hoặc hướng khác nhau, tuy nhiên, chúng thường đồng nhất.
Thí nghiệm cắt ngang miếng thịt ở một góc nhất định, nếu nhìn bằng mắt thường bạn sẽ thấy mặt cắt của lát thịt phẳng, nhưng khi nhìn bằng kính hiển vi bạn sẽ thấy đầu của các sợi cơ lộ ra kết hợp với khoảng trống không khí giữa các sợi cơ tạo thành một mặt lưới lồi lõm đều đặn. Khi ánh sáng trắng chiếu vào mặt cắt này, những tia sáng sẽ bị bẻ cong, gây ra hiện tượng khúc xạ ánh sáng, phân tách và phản xạ theo nhiều hướng khác nhau, tạo ra màu sắc ánh kim như màu cầu vồng.
Khi ánh sáng phản chiếu hoặc đi qua một bề mặt có nhiều gờ nhỏ hoặc vết xước, chúng bị khúc xạ trở lại. Hiện tượng này cũng tương tự như mặt tráng của đĩa CD, bạn thường thấy đĩa CD có màu sắc cầu vồng, là do sóng ánh sáng phản chiếu từ các gờ trên bề mặt đĩa, chúng giao thoa và bị khúc xạ trở lại, tách ánh sáng trắng thành tất cả các màu tạo nên nó.
Hàm lượng nước tự nhiên trong thịt bò thay đổi tùy theo loại cơ, loại thịt, mùa trong năm và độ pH của thịt. Khi thái miếng thịt ngang thớ, mặt cắt ngang của những thớ thịt với độ ẩm thích hợp khi gặp ánh sáng chiếu vào có thể làm tăng cường hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng, tạo ra nhiều màu sắc cầu vồng khác nhau.
Góc ánh sáng chiếu vào miếng thịt bò cũng ảnh hưởng đến cách màu sắc hiển thị. Ánh sáng chiếu từ các góc khác nhau có thể tạo ra các hiệu ứng màu sắc khác nhau.
Ngoài ra, màu sắc cầu vồng khác nhau là do nhiều yếu tố như nồng độ phosphat, nhiệt độ nấu, độ chín, độ dày mỡ, độ nhám bề mặt, lực cắt, loài và giới tính của động vật.
Sự óng ánh màu cầu vồng của thịt không phải là biểu hiện của việc giảm chất lượng hoặc độ an toàn của thịt. Khi thấy hiện tượng thịt có màu cầu vồng, chúng ta vẫn có thể sử dụng miếng thịt bình thường trong trường hợp miếng thịt được bảo quản đúng cách & còn hạn sử dụng, đồng thời không có dấu hiệu bất thường nào khác.
Điều quan trọng là cần lưu ý đến các dấu hiệu sau đây để biết đặc điểm của thịt hỏng:
Bên ngoài thịt có màu xanh sẫm, mỡ màu trắng đục.
Ấn tay vào để lại vết lõm không đàn hồi lại.
Lượng dịch trên bề mặt nhiều, bị nhớt.
Thịt có mùi hôi hư khó chịu.
Không nên sử dụng phần thịt hỏng khi có các đặc điểm trên để tránh ngộ độc thực phẩm và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hiện tượng thịt bò có màu sắc cầu vồng là một hiện tượng quang học tự nhiên và hoàn toàn vô hại. Do các cấu trúc hình thái miếng thịt phản chiếu ánh sáng dưới tác động của nhiệt và nhiều yếu tố khác, tạo nên màu sắc ánh kim như bảy sắc cầu vồng. Nó không ảnh hưởng đến chất lượng và dinh dưỡng của thịt. Ngược lại, thực tế màu sắc cầu vồng này có thể là một dấu hiệu cho thấy thịt bò của bạn đã được cắt mỏng đúng cách và có độ tươi ngon cao.
Chúng ta cũng có thể thấy màu sắc cầu vồng không chỉ ở thịt bò mà còn ở thịt nấu chín khác như thịt heo, thịt xông khói, giăm bông, thậm chí là cả cá.
Hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn về màu sắc cầu vồng trên miếng thịt và yên tâm thưởng thức các món ăn từ thịt nếu có thấy hiện tượng này xuất hiện.
Hãy chia sẻ với bạn bè và gia đình những thông tin thú vị bổ ích này để Pacow có thêm nhiều động lực lên nhiều bài hay hơn nha!
Nguồn tham khảo:
USDA - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ: https://ask.usda.gov/s/article/Is-iridescent-roast-beef-or-lunchmeat-
NCBI - Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5302279/
Food Unwrapped TV: https://www.youtube.com/watch?v=am9AzI3PknU